Khi bộ phận lốp hay gầm xe gặp sự cố cần kiểm tra, sửa chữa, kích ô tô sẽ được sử dụng để hỗ trợ. Thao tác này có thể thực hiện tại nhà nhưng phải có đầy đủ dụng cụ và nắm vững kỹ thuật để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên trên thị trường có nhiều loại kích, loại nào sẽ phù hợp với xe của bạn? Để Nghiện car giải đáp thắc mắc đó qua bài viết này…
Kích xe ô tô là gì?
Kích xe ô tô là loại dụng cụ giúp hỗ trợ nâng gầm xe ô tô một cách tiện lợi và dễ dàng, không tốn công sức. Kích xe còn có các tên gọi khác như bộ kích nâng gầm ô tô, con đội ô tô,…
Thiết bị này là một trợ thủ đắc lực giúp thay lốp xe, thực hiện các thao tác dưới gầm xe như kiểm tra sửa chữa hệ thống phanh, ống xả, thay dầu nhớt,..
Các loại kích xe ô tô và ưu-nhược điểm của mỗi loại
Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều loại kích xe ô tô với đủ kiểu mẫu mã, mức giá bán khác nhau.
Sau đây Nghiện Car giới thiệu cho các bạn những loại kích và ưu-nhược điểm của chúng.
Kích ô tô bằng điện
Bộ kích nâng gầm xe hơi bằng điện hay con đội điện là loại kích ô tô tự động chạy bằng mô tơ điện. Loại kích này thường hoạt động bằng nguồn điện 12V trên xe ô tô.
Loại kích bằng điện được ưa chuộng vì sự tự động nên nhiều người có thể sử dụng. Ngoài công dụng chính là kích nâng gầm xe, con đội điện còn được tích hợp nhiều chức năng khác như súng tháo bu lông, bơm lốp ô tô…
Giá bán kích ô tô bằng điện dao động từ 1.200.000đ – gần 5.000.000đ/bộ.
Ưu điểm
- Kích gầm tự động mà không cần dùng sức
- Tích hợp nhiều chức năng khác như tháo bu lông, bơm lốp…
Nhược điểm
- Giá thành cao
- Cần dùng điện từ xe
- Tiếng ồn lớn
- Mô tơ điện dễ bị trục trặc nếu hoạt động quá công suất,
- không phù hợp dùng cho xe tải trọng lớn…
Kích ô tô thủy lực
Kích ô tô thuỷ lực hay còn gọi là con đội thuỷ lực, kích piston là loại kích gầm xe tận dụng sức đẩy của áp suất dầu thuỷ lực để nâng gầm xe. Kích thuỷ lực có thể hoạt động dựa vào bơm tay hoặc bơm điện. Do có thiết kế nhỏ gọn nên đa phần các dòng kích thuỷ lực mini hoạt động dựa vào bơm tay.
Giá kích thủy lực ô tô từ 150.000 đồng/bộ.
Ưu điểm
- Giá rẻ
- Thiết kế nhỏ gọn
- Tính cơ động cao
- Dễ sử dụng
Nhược điểm
- Mất nhiều thời gian do phải dùng tay
- Độ an toàn không cao
Kích ô tô cá sấu
Kích cá sấu cũng là một loại kích thuỷ lực nhưng có thiết kế phần thân dài nằm ngang, thân nằm sát sàn, có thêm bánh xe nên dễ đưa vào gầm xe. Kích ô tô cá sấu có 2 loại chính là kích cá sấu hoa khế và kích cá sấu xi lanh.
Kích cá sấu sử dụng cơ cấu nâng bằng xilanh thủy lực, bơm bằng tay hoặc đạp chân. Với một số loại kích cá sấu cao cấp, cỡ lớn được thiết kế bơm bằng khí nén.
Kích hoa khế có cơ chế bơm dầu bằng tay/đạp chân tạo nên sự chuyển dịch ăn khớp của lốp răng. Kích xi lanh cũng có cơ chế bơm dầu bằng tay/đạp chân, cấu tạo có thêm 1 – 2 xi lanh phụ ở phần bơm dầu. Loại kích này được sử dụng phổ biến hơn.
Giá kích nâng ô tô cá sấu khoảng từ 400.000 đồng/bộ.
Ưu điểm
- Giá thành khá rẻ
- Thiết kế kích thước gọn, độ bền cao
- Khả năng nâng hạ dễ dàng, nhẹ nhàng hơn
- Chịu được tần suất làm việc cao, an toàn
Nhược điểm
- Mất thời gian do dùng tay/đạp chân, chỉ phù hợp với tần suất làm việc thấp
- Trọng lượng khá nặng
Kích ô tô chữ A
Kích nâng xe chữ A (hay còn gọi là kích ô tô kiểu cắt kéo) là loại kích nâng gầm xe sử dụng lực cần bẩy, hoạt động hoàn toàn bằng cơ cấu cơ khí, lực tay quay. Kích có hình dạng giống chữ A, cách nâng hạ giống như hình kéo cắt.
Dòng kích chữ A ô tô thường được các hãng xe bán kèm theo xe mới , do không sử dụng dầu mỡ nên vô cùng sạch sẽ phù hợp để dự phòng trong cốp xe. Ngày nay, kích chữ A ô tô được cải tiến với các phiên bản dùng điện hoặc dùng pin vô cùng tiện dụng, tốc độ nâng hạ nhanh hơn,….
Ngoài ra, loại kích này được ưa chuộng sử dụng trong các tiệm sửa xe vừa và nhỏ hay cứu hộ lốp xe trong những trường hợp khẩn cấp.
Giá kích chữ A ô tô chỉ từ 100.000 đồng/bộ.
Ưu điểm
- Cực kỳ nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ
- Dễ sử dụng
- Giá rẻ nhất trong các loại kích
Nhược điểm
- Độ an toàn không cao
- Chỉ phù hợp với xe trọng lượng nhẹ
Kích ô tô bóng hơi
Kích bóng hơi (đội hơi bong bóng) là loại kích bằng điện nhưng hoạt động dựa vào nguyên lý khí nén – thủy lực làm căng phồng các bóng hơi, từ đó nâng gầm xe lên cao. Bên dưới kích thường có lắp đặt thêm các bánh xe giúp di chuyển kích dễ dàng.
Dòng sản phẩm này xuất hiện phổ biến trong nhiều gara sửa chữa, trung tâm bảo trì bảo dưỡng; thích hợp dùng cho xe con, xe du lịch từ 24 chỗ trở xuống. Kích quả bóng hỗ trợ, giúp công việc nâng hạ xe trở nên tiện lợi và nhanh chóng hơn rất nhiều.
Dựa vào thiết kế, số lượng quả bóng hơi trên mỗi sản phẩm, mà kích nâng ô tô dạng quả bóng được chia thành nhiều loại khác nhau như: kích hơi 2 bóng, 3 bóng,… Bóng được làm bằng chất liệu cao su, có khả năng chịu tải cực tốt; không bị chảy dầu, giúp cho thiết bị vận hành bền bỉ và tuổi thọ dài lâu.
Giá kích nâng ô tô bóng hơi khá cao từ 2.000.000 đồng/bộ.
Ưu điểm
- Thời gian nâng xe nhanh
- Không mất sức của người sử dụng.
Nhược điểm
- Giá cao
- Cần dùng điện/hơi
- Kích thước lớn, phù hợp sử dụng cố định. Do đó đa phần kích bóng hơi chỉ sử dụng cố định tại chỗ, không hợp để mang theo xe.
Bạn có thể mua kích ô tô tại đây:
Xem tại Tiki! Xem tại Lazada! Xem tại Shopee!Cách chọn kích/con đội xe hơi
Nếu muốn chọn mua kích/con đội cho xe hơi của mình cần chú ý các vấn đề sau:
Trọng tải của xe
Chọn được một bộ kích gầm ô tô phù hợp với mục đích sử dụng và tải trọng của xe ô tô là vô cùng quan trọng.
Tải trọng của các mẫu xe là không giống nhau, do đó các nhà sản xuất đã cho ra mắt các loại kích nâng gầm xe ô tô có tải trọng nâng khác nhau.
Các loại kích ô tô mini thường có tải trọng từ 1– 4 tấn, kích cỡ trung thì tầm 5 – 16 tấn. Dựa vào trọng lượng xe của mình mà người mua có thể đưa ra quyết định chọn loại kích phù hợp.
Chẳng hạn như các dòng xe sedan/hatchback 5 chỗ thì chỉ cần con đội tải trọng nâng tầm 2 tấn. Nếu là xe 5 chỗ gầm cao hay 7 chỗ SUV/CUV/MPV và xe bán tải thì nên chọn con đội có tải trọng nâng tầm 3 – 4 tấn.
Độ nâng
Độ nâng tối đa của kích cần lớn hơn khoảng sáng gầm xe (độ cao gầm). Nên khi mua, mọi người phải xem độ cao nâng tối đa của kích để biết có phù hợp với xe ô tô của mình hay không.
Mỗi dòng ô tô có khoảng sáng gầm xe khác nhau. Nếu các dòng xe sedan, hatchback có gầm khá thấp, thường dưới 160mm, ô tô crossover/ MPV có độ cao gầm tầm 160 – 220mm. Thì các dòng SUV, nhất là xe bán tải lại có gầm khá cao thường trên 250mm.
Kích thước và trọng lượng của kích
Một yếu tố cần thiết nữa khi chọn mua kích ô tô là kích thước và trọng lượng của kích.
Con đội được thiết kế với kích thước nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ để giúp việc cất giữ dễ dàng hơn, không mất nhiều diện tích. Bên cạnh đó, chiều cao của kích cần phải thấp hơn độ cao gầm xe. Bởi vì như vậy mới có thể đưa kích vào bên dưới gầm để kích gầm.
Xuất xứ, thương hiệu
Khi mua kích nâng gầm xe việc cân nhắc tới xuất xứ, thương hiệu là rất cần thiết. Thiết bị kích ô tô tuy nhỏ nhưng rất quan trọng vì khi kích nâng xe, phần lớn trọng lượng xe sẽ dồn lên kích.
Nếu kích không đảm bảo có thể xe sẽ bị sập, lật đổ dẫn đến nhiều tình huống nguy hiểm. Do đó nên ưu tiên mua các bộ kích nâng xe ô tô có thương hiệu, thông tin nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cung cấp đầy đủ các thông số kỹ thuật cần thiết. Tránh mua kích nâng gầm giá rẻ kém chất lượng, hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc…
Cách kích lốp ô tô
Cách sử dụng kích nâng xe ô tô cũng là vấn đề quan trọng mà người dùng phải chú ý. Để bộ kích lốp xe ô tô có thể vận hành hiệu quả, ổn định, độ bền cao người thực hiện nên vận hành thiết bị theo trình tự như sau:
Vị trí đặt kích xe
Trước khi sử dụng kích để nâng gầm xe cần xác định vị trí đặt kích. Đây là bước chuẩn bị rất quan trọng bởi không phải điểm nào ở gầm xe cũng có thể đặt kích. Khung xe là nơi đặt kích xe chắc chắn và an toàn nhất. Tuyệt đối không đặt kích vào các phần vỏ bọc gầm vì rất dễ vỡ sập.
Thông thường vị trí đặt kích tốt nhất là phần khung cách lốp trước hoặc lốp sau tầm 15 – 20 cm. Nếu gặp khó khăn trong việc xác định vị trí này, chủ xe có thể xem trong sách hướng dẫn sử dụng xe hoặc liên hệ trực tiếp đến bộ phận tư vấn kỹ thuật của hãng xe để được giải đáp.
Chọn hướng
Bạn cần cân nhắc lựa chọn hướng kích nâng xe ô tô hợp lý để có thể tối đa hiệu quả nâng gầm xe, sau đó luồn kích xe ô tô vào bên trong gầm. Chú ý đảm bảo kích đỡ trùng với điểm nâng gầm xe đã xác định được trước đó.
Thực hiện thao tác kích xe
Trước khi thực hiện kích xe cần kiểm tra vị trí đậu xe cố định trên một bề mặt phẳng, không có độ dốc, đặt vật chèn bánh xe tránh xe tự di chuyển, kiểm tra con đội và xác định vị trí đặt con đội phù hợp.
Sau đó thực hiện các bước kích xe theo hướng dẫn an toàn:
- Đưa kích vào đúng vị trí đặt kích
- Thực hiện kích nâng gầm lên. Mỗi loại kích sẽ có cách sử dụng khác nhau nên phải lưu ý
- Đặt mễ kê vào điểm gần kích chính, sau đó điều chỉnh mễ kê lên mức nâng cao nhất và khóa cố định. Nếu như sử dụng nhiều mễ kê, cần đảm bảo các mễ kê phải cao bằng nhau. Tiếp theo đó vặn tay kích ngược chiều kim đồng hồ kích chính để giúp thực hiện việc hạ chiều cao kích, giúp xe tựa chắc chắn vào chân kê
Kiểm tra độ chắc chắn
Để kiểm tra độ chắc chắn của xe, hãy thử rung nhẹ xe. Chú ý đảm bảo xe chắc chắn, vững chãi mới thao tác sửa chữa dưới gầm xe để đảm bảo an toàn.
Hạ kích an toàn
Sau khi thực hiện thao tác kiểm tra, sửa sữa, từ từ hạ kích đến khi lốp xe chạm đất, tháo các vật chèn ở các lốp xe khác ra.
Nếu sửa chữa xe đặt nhiều mễ kê thì cần tháo các mễ kê ra trước, lưu ý nâng kích để đưa gầm xe bằng hoặc cao hơn mễ kê một chút, sau đó rút mễ kê ra và từ từ hạ gầm đến khi lốp xe chạm đất.
Bài viết liên quan:
Điểm Tên Những Món Phụ Kiện Ô Tô Nên Có Khi Mua Xe Mới
Những lưu ý khi kích xe
Để thực hiện quá trình nâng gầm xe chính xác và tránh xảy ra rủi ro nên lưu ý những vấn đề sau:
- Chỉ nên sử dụng kích nâng xe ô tô tạm thời, để dự phòng. Tuyệt đối không dùng nâng xe trong thời gian dài, đó là nhiệm vụ của cầu nâng 2 trụ hoặc mễ kê.
- Nên chọn bộ kích gầm ô tô phù hợp với mục đích sử dụng và tải trọng của xe ô tô.
- Phải sử dụng mễ kê, chân kê phụ khi sửa chữa ở dưới gầm xe. Đây là nguyên tắc quan trọng cần tuân thủ để đảm bảo an toàn cho bạn và mọi người xung quanh.
- Tuyệt đối không sử dụng gạch đá để làm nhiệm vụ của mễ kê, bởi chúng có thể trượt, nứt vỡ trong quá trình sử dụng gây ra tai nạn không đáng có.
- Cài số P đối với loại xe ô tô sàn số tự động hay với một số xe sàn số trước khi thực hiện nâng gầm xe.
- Chọn đúng điểm đặt kích nâng xe ô tô và điểm đặt mễ kê. Dưới gầm ô tô sẽ có những điểm đặt kích nâng, đặt mễ kê chuyên dụng và điểm thích hợp để đặt cả hai.
- Đỗ xe ở vị trí thông thoáng, bằng phẳng trước khi nâng xe. Nếu xe gặp sự cố trên đường dốc hãy đỗ xe vào sát lề đường, tránh lái về phía lề kéo, phanh tay hoặc cốt chặn bánh xe về phía chân dốc để ngăn xe tự di chuyển.
- Không tùy tiện kích xe trên đường cao tốc, hầm chui. Hãy bật đèn cảnh báo và gọi dịch vụ cứu hộ xe để đảm bảo an toàn cho bạn cũng như các xe phía sau.
- Trước khi bắt đầu sửa chữa phải kiểm tra lại độ vững chắc của xe sau khi kích.